Hậu Giang luôn nổi tiếng với nhiều món ăn dân dã nhưng luôn mang một hương vị thơm ngon, quyến rũ du khách một khi đã nếm qua. Và có thể nói Chả Cá Thát Lác đã trở thành đặc sản mang thương hiệu Hậu Giang. Người Hậu Giang lâu nay coi cá thát lát là món đặc sản rất đáng tự hào. Cá thác lát là loài cá nước ngọt duy nhất của chi Notopterus trong họ cá thác lác, có thân dài, dẹp, đuôi nhỏ và vảy phủ toàn thân. Cá thác lác thường có màu bạc và sống ở những nơi nước trũng như bàu, lung, vũng, ao hay hồ. Một con cá thác lác khi trưởng thành có thể nặng đến 500g và dài tới 400mm nhưng trọng lượng trung bình được tìm thấy là khoảng 200g. Cá thác lác tập trung sinh sản vào mùa mưa và theo mực nước dâng lên mà tràn ra các sông, rạch. Tại Việt Nam, cá thác lác được tìm thấy nhiều ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sông Đồng Nai và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên... Tuy nhiên, chỉ có cáthác lác tại Hậu Giang là được nhiều người biết đến nhất. So với cá thác lác tại nhiều vùng khác, cá thác lác Hậu Giang thịt ngọt, ít xương lại có độ dẻo đặc biệt nên rất được thực khách ưa chuộng. Chúng được những bà nội trợ miền Tây chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như cá thác lác muối sả chiên, canh cá tần ô, cá dồn khổ qua, chả cá hấp... Trong đó, chả cá thác lác được xem là một trong những món ăn làm nên cái ngon của nền ẩm thực Hậu Giang. Theo nhiều người dân nơi đây, nếu chế biến cá thác lác đúng cách không những làm tăng giá trị dinh dưỡng của món ăn mà còn là bài thuốc quý chữa được nhiều bệnh. Một số tài liệu Đông y cũng cho rằng, cá thác lác có vị ngọt, không độc, tính bình, có tác dụng bổ khí huyết, giảm đau, nhuận trường nên rất tốt với những người mất ăn mất ngủ, thận hư, khí hư. Đến Hậu Giang mà không thưởng thức món chả cá thác lác coi như uổng phí cả chuyến đi. Nhiều du khách còn nhắc nhau rằng, phải ghi ngay món này vào sổ tay kinh nghiệm du lịch Hậu Giang để bạn bè cùng biết. Cá thác lác Hậu Giang được các bà nội trợ ưa chuộng không chỉ vì chất lượng mà còn bởi giá cả hợp lý. Cá thác lác tươi nạo sẵn trộn với thịt heo nạc bằm nhỏ theo tỷ lệ 3 cá 1 thịt rồi cho thêm chút bột ngọt, muối, tiêu xay, hành lá xắt nhuyễn, sau đó bắc chảo chiên vàng là trở thành món ăn ngon. Món này thường trực trong bữa cơm của người dân miền Tây sông nước. Món này hấp dẫn người ăn không chỉ bởi màu vàng quyến rũ bên ngoài mà còn bởi cái dai dai, ngọt ngọt bên trong. Kẹp miếng chả cá chiên vàng thơm phức với các loại rau sống rồi chấm vào chén tương ớt chua ngọt, thực khách sẽ không thể kiềm lòng được mà không ăn tiếp miếng thứ hai. Với những người nông dân miền Tây suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì một bữa cơm với canh chả cá thác lác và rau tần ô sẽ làm tan đi mệt mỏi. Món canh này rất dễ nấu lại có công dụng bồi bổ sức khỏe nên không khó để tìm thấy trong các chuyến du lịch Hậu Giang. Gắp một đũa rau chấm vào chén nước mắm mặn mặn được điểm xuyết thêm vị cay của ớt mới thấy được cái ngon của nó. Cảm giác ngọt mát của nước canh làm dịu đi vị cay nồng của ớt; chút dư vị mặn mà của biển trong nước mắm, dai dai của cá, thanh thanh của rau là sự kết hợp thú vị. Ngoài hai món ăn trên, chả cá thác lác còn được người dân Hậu Giang chế biến thành món lẩu cá thác lác khổ qua ngon tuyệt. Vào những buổi tối hay những khi cơn mưa mùa hè ở Nam Bộ ào về, cùng gia đình, bạn bè quây quần bên nồi lẩu nghi ngút khói thì thật là ấm cúng. Vị ngọt thanh và dai dẻo lạ miệng của chả cá như một thứ “thuốc phiện” khiến thực khách quên hết những bộn bề ngoài kia. “Ngày 16-9-2014, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận “Cá thát lát Hậu Giang” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ độc quyền cho Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Hậu Giang. Theo nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ, sản phẩm cá thát lát Hậu Giang phải được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, thịt dai, cơ thịt mịn, săn chắc. Cá có thân hình dài, dẹp hai bên, càng mỏng về phía bụng và có màu trắng xám. Loại cá này có ít xương, thịt dai ngon, được chế biến thành nhiều món ngon, trong đó cá thát lát tẩm gia vị và chả cá thát lát là hai món ăn nổi tiếng được chế biến từ loại cá này. Ông Lê Hoàng Sương, người từng ở Campuchia vào những năm 1980, cho biết: “Cá thát lát ở Hậu Giang còn gọi là cá thát lát cườm sống nhiều ở biển hồ Campuchia và sông Mê Công. Cá thát lát cườm sống ở Biển Hồ có thể nặng đến 30 - 50 kg/con. Khi dân đánh cá ở biển Hồ bắt được thát lát cườm to vài chục kg, phải đến hai người khiêng mới nổi”. Do lưng con cá này cườm cong như chữ C và ở phần gần đuôi có nhiều chấm đen, từ 3 - 9 chấm nên người ta gọi là cá thát lát cườm. Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Con cá thát lát cườm không phải có nguồn gốc từ Hậu Giang. Cá có nhiều trên sông Mê Công và các sông miền Hậu Giang. Đến năm 1998, ngành nông nghiệp có đề tài nghiên cứu về loại cá này. Sau năm 2001, Hậu Giang cho cá thát lát cườm sinh sản nhân tạo thành công. Từ năm 2004 đến nay cá phát triển mạnh”. Hiện nay, nông dân Hậu Giang thả nuôi khoảng 20ha cá thát lát cườm, sản lượng khoảng 750 tấn. Từ năm 2005 tỉnh Hậu Giang đã tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu “Cá thát lát Hậu Giang”. Từ năm 2010 đến nay, mỗi ngày đều có thương lái đến Hậu Giang, thu gom cá thát lát cườm và chuyển về TP Hồ Chí Minh chế biến xuất khẩu” Nếu có dịp đến Hậu Giang, Quý khách đừng bỏ qua cơ hội một lần nếm thử món cá Thát Lác Hậu Giang nhé! Trung tâm top Việt Nam Theo Topplus.vn Tin đăng trên Bếp Vàng bepvang.org.vn