ĐẶC SẢN LÚA CẤY BỆ KHÓM THƯƠNG HIỆU GÒ QUAO
Lúa bệ sạch 100%
Lúa bệ là cách gọi quen thuộc của người dân huyện Gò Quao với việc trồng lúa trên bờ liếp xen khóm. Bắt đầu từ việc trồng khóm nhưng thu nhập chưa cao, nông dân đã tìm tòi học hỏi để không bỏ phí nguồn nước, đất từ các mương liếp. Họ bắt đầu cải tạo nước để nuôi tôm sú, đất quanh liếp khóm để trồng lúa bệ. Tôm và lúa thu được đều là sản phẩm sạch, chất lượng tốt vì không dùng phân thuốc mà để chúng phát triển tự nhiên.
Theo thống kê, xã Vĩnh Phước A và Vĩnh Thắng là 2 xã thực hiện theo mô hình đa canh tổng hợp trên liếp trồng khóm, dưới mương nuôi tôm sú và trên bệ (mé liếp) trồng lúa mùa nhiều nhất của huyện.
Đến thăm hợp tác xã 3 trong 1 (khóm - tôm - lúa) ở ấp Phước An xã Vĩnh Phước A, ông Phan Quốc Khánh - Phó giám đốc hợp tác xã - vui vẻ chia sẻ về sản lượng lúa năm nay vì bà con làm khá trúng. Theo thống kê của UBND xã Vĩnh Phước A, lúa bệ khóm có 835ha, năng suất bình quân 0,6 tấn/ha, sản lượng 501 tấn. Ông Khánh cho biết: “Năm 2018, tôi đã làm nhãn hiệu lúa mùa mé khóm đóng bao bì 5kg để bán với giá 15.000đ/kg. Đến năm 2019, Hội Nông dân huyện đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu tập thể lúa bệ khóm”.
Mô hình sản xuất đa canh tổng hợp khóm – tôm – lúa là mô hình đặc trưng phù hợp với vùng sinh thái huyện Gò Quao. Đây cũng có thể xem là mô hình sản xuất sinh thái và cho hiệu quả cao trên cùng một diện tích canh tác. Bình quân canh tác một năm trên diện tích 1ha, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư cho sản xuất, nông dân trong mô hình này lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Chính vì vậy, những năm qua mô hình này đã giúp nông dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, nhiều hộ thoát nghèo.
Có nhãn hiệu nhưng trăn trở tìm đầu ra
Do đặc thù địa bàn Vĩnh Phước A đất bị nhiễm phèn mặn nên xã chỉ tập trung phát triển kinh tế đi lên từ cây khóm. Tuy nhiên việc xen canh nuôi tôm và trồng lúa bệ lại tăng thêm thu nhập và sản lượng cho người dân. Năm 2020, thu nhập bình quân ở xã Vĩnh Phước A là 55,3 triệu đồng/người/năm đạt 110,6%.
Ông Phạm Quốc Trị, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Phước A cho biết, lúa bệ là loại lúa sạch, bà con trồng vừa tiết kiệm diện tích vừa tăng thêm sản lượng. Tuy nhiên khi tiếp thị đến thị trường thì lại chưa có vị trí và nhiều người chưa biết đến. “Hiện nay gạo sạch được đóng gói bao bì từ lúa bệ có giá khoảng 15.000 đồng/kg, cũng là khá cao, nhưng người dân chưa hiểu được vì sao giá nó như vậy là do quá trình canh tác thế nào. Điểm bất lợi nữa chính là việc dùng giống lúa để gieo trồng chưa phù hợp thị hiếu người tiêu dùng do họ muốn chọn loại thơm, dẻo mà giống lúa mùa thì chưa đáp ứng được điều này”, anh Trị cho biết.
Hiện nay đa phần sản lượng lúa bệ làm ra được người dân địa phương tự sử dụng trong nhà và bán cho những người biết về lúa bệ còn xuất bán như các loại gạo kia thì vẫn chưa phổ biến. Ông Phan Quốc Khánh trăn trở: “Đã có nhãn hiệu tập thể lúa bệ, chất lượng gạo sạch nhưng có thể vì cách tiếp cận thị trường cũng như giống dùng để trồng lúa bệ chưa phù hợp. Hợp tác xã vẫn đang phát triển mô hình xen canh này nhưng mong sao các ngành chức năng liên quan sẽ tìm ra giải pháp, thay thế giống lúa nào cho phù hợp để lúa bệ có đầu ra ổn định và vị trí của mình”.